Dạy học tích hợp ở Tiểu học được đánh giá là phương pháp dạy học tiên tiến và có hiệu quả cao trong thời gian gần đây. Lợi ích của phương pháp dạy và học này là gì, dưới các hình thức ra sao, thì mời các bạn và các quý bậc phụ huynh cùng tham khảo thông qua bài viết này nhé.
Dạy học tích hợp là gì?
Phương pháp dạy học tích hợp ở Tiểu học được áp dụng cho khối cấp bậc Tiểu học, thường được áp dụng nhiều với các khối 3, 4, 5 bởi lúc này các con đã dần quen với lối tư duy logic. Phương pháp này chính là cách dạy lồng ghép kiến thức, giữa các môn học có chung mối tương quan, hay giữa các phần trong cùng một môn học nhưng liên quan đến nhau. Nhằm truyền tải tới học sinh một cách sinh động, đa chiều, giúp các con nâng cao khả năng tư duy logic.
Phương pháp này không đi theo cách dạy truyền thống, môn nào ra môn nấy, phải ghi nhớ, thuộc lòng khô khan, sáo rỗng. Dạy học tích hợp này sẽ không chỉ mang đến những giờ dạy, trải nghiệm thú vị mà còn giúp các bạn học sinh ở khối cấp Tiểu học nhanh khả năng ghi nhớ, kích thích tính khám phá, tò mò học hỏi.
4 hình thức dạy học tích hợp ở Tiểu học
Tích hợp nội môn
Tích hợp nội môn là cách dạy lồng ghép, kết hợp các phần kiến thức có mối liên quan, kết nối với nhau trong cùng một môn học để giải quyết và truyền tải tới học sinh một kiến thức mới hay một chủ đề bài giảng.
Ví dụ trong môn Địa lý, giáo viên sẽ cùng dẫn dắt kiến thức về đặc điểm khí hậu và địa hình của một vùng để hướng dẫn học sinh tìm hiểu về đặc điểm trồng trọt, canh tác của vùng đó. Hay môn Khoa học, giáo viên sẽ kết nối phần kiến thức đặc điểm của loài giun sán để hướng dẫn các em cách vệ sinh cơ thể, điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống sao cho sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.
Tích hợp liên môn
Theo đúng như tên gọi, phương pháp dạy tích hợp liên môn ở Tiểu học là sử dụng các kiến thức chung liên quan ở nhiều môn học để làm rõ, giúp các học sinh hiểu rõ cụ thể một vấn đề. Tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên sẽ cần có kiến thức bao quát, dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, soạn bài giảng sao cho hợp lý, dẫn dắt các con để dễ hiểu nhất. Lợi ích của dạy tích hợp ở Tiểu học các môn liên quan mang lại trải nghiệm thú vị, hứng khởi và kích thích tính sáng tạo, suy nghĩ, khả năng tư duy, đặt vấn đề của học sinh.
Ví dụ: Để tìm hiểu về sự vận động của cơ thể người, người giáo viên sẽ vừa cần kiến thức Sinh Học, vừa cần một số kiến thức cơ học và tác dụng lực trong Vật Lý để giảng giải cho học sinh.
Tích hợp đa môn
Hình thức này rất dễ bị nhầm lẫn với phương pháp dạy tích hợp liên môn. Tích hợp đa môn là việc tận dụng tối đa một nội dung bài giảng cho nhiều môn học khác nhau. Chẳng hạn như thông qua các tác phẩm văn học nước ngoài, các em không chỉ có thêm kiến thức Ngữ Văn mà còn hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nước ngoài cần tìm hiểu. Phương pháp dạy này là một trong 4 phương pháp dạy tích hợp ở Tiểu học hiệu quả. Giúp học sinh tạo thói quen đào sâu, nghiên cứu kỹ gốc rễ của một vấn đề.
Tích hợp xuyên môn
Đây là phương pháp phức tạp, khó nhất vì nó hầu như tổng hợp cả 3 kiểu tích hợp kể trên. Hiểu một cách đơn giản, một bài học xuyên môn sẽ có sự tham gia của nhiều giáo viên đến từ nhiều bộ môn. Mỗi người sẽ đảm nhiệm một phần nội dung liên quan đến môn của họ. Tích hợp xuyên môn thường được sử dụng để giúp học sinh tiến hành các dự án, tham dự các cuộc thi Quốc tế, Olympic,…
Ví dụ: Một dự án chế tạo robot của học sinh cần có sự hướng dẫn của cả giáo viên lập trình, tin học, giáo viên vật lý,…
Những lợi ích mà hình thức dạy học tích hợp ở Tiểu học mang lại
Phương pháp dạy học tích hợp ở Tiểu học mang lại những lợi ích to lớn, không chỉ đối với học sinh mà còn cả những giáo viên.
Đối với học sinh
Phương pháp này giúp các em được hiểu bài một cách sâu sắc, và có cái nhìn đa diện hơn về một nội dung kiến thức. Đồng thời có thể xâu chuỗi, hệ thống kiến thức; từ đó xây dựng cách tư duy, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách logic. Phương pháp này cũng được đánh giá là có hiệu quả, áp dụng được nhiều kiến thức vào thực tiễn cuộc sống hơn. Các em học sinh cũng trở nên dần có hứng thú, thích chủ động khám phá và tự tìm tòi kiến thức hơn.
Đối với giáo viên
Khi lựa chọn hình thức dạy học này, các thầy cô được tích lũy được hoặc gợi nhớ lại nhiều kiến thức bổ ích từ các môn khác và có cơ hội nghiên cứu sâu hơn. Từ đó chất lượng bài dạy cũng được nâng cao lên rất nhiều. Hơn nữa, đây cũng là cách gián tiếp giúp giáo viên cho học sinh ôn lại bài cũ và học thêm bài mới.
Bài viết trên đây AirClass đã giải đáp những thông tin xoay quanh phương pháp dạy học tích hợp ở Tiểu học cho các bạn cùng tham khảo. Nếu có nhu cầu tạo website dạy học trực tuyến mà chưa biết địa chỉ tin cậy, mời bạn tham khảo tại AirClass để được tư vấn và hỗ trợ nhé!