Các bước soạn giáo án trên nền tảng trực tuyến

Để tạo một bài giảng điện tử hoàn chỉnh thì giáo viên cần trải qua các bước soạn giáo án trực tuyến như thế nào? Liệu việc thay đổi từ cách soạn giáo án truyền thống sang phương pháp trực tuyến có quá khó hay không? Tất tần tật những khúc mắc xoay quanh việc tạo giáo án trực tuyến đều được Airclass giải đáp ngay trong bài viết sau.

Giáo án trực tuyến là gì?

Giáo án trực tuyến (còn gọi là giáo án điện tử) là giáo án ghi lại bài giảng, dẫn chứng dạy học,… trên máy tính thay vì trên giấy như phương pháp truyền thống. Các thông tin trong bài giảng được chuyển hoá dưới dạng hình ảnh, âm thanh, câu chữ, số hoá, đồ hoạ, video… Khi đó, những ưu điểm của công nghệ sẽ giúp phát huy việc dạy học, việc truyền tải nội dung cũng trở nên đặc sắc, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn.

Vì sao giáo viên cần học soạn giáo án trực tuyến trong thời đại công nghệ?

Trong thời đại công nghệ, mọi thứ đều dần chuyển sang hình thức số hoá. Việc soạn giáo án cũng không ngoại lệ. Giáo án trực tuyến giúp việc lưu trữ, sửa chữa trở nên dễ dàng hơn. Nếu trong giáo án truyền thống, các thông tin đều được biểu đạt dưới dạng câu chữ, các con số… có phần khô khan và cứng nhắc, thì trên nền tảng trực tuyến, thông tin dần được chuyển hoá thành đa dạng hình thức như video, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh… Mọi thứ phối hợp một cách nhịp nhàng, giúp bài học thêm sinh động và trở nên dễ nhớ.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 xuất hiện cũng là lúc nền giáo dục có những bước chuyển mình, buộc phải thay đổi để thích nghi. Cả giáo viên và học sinh đều phải chuyển từ dạy và học trực tiếp sang hình thức trực tuyến, khiến việc học cách soạn giáo án trực tuyến càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

các bước soạn giáo án 3
Dịch Covid-19 là thời điểm mà phương pháp dạy và học trực tuyến phát huy tối đa những ưu điểm vượt trội của mình

Các bước soạn giáo án trên nền tảng trực tuyến

Xác định mục đích, yêu cầu bài giảng

Trong các bước soạn giáo án trực tuyến, xác định mục đích, yêu cầu bài giảng là bước quan trọng đầu tiên. Đó bao gồm việc nghiên cứu giáo trình, kết hợp với các tài liệu sẵn có để xây dựng nội dung bài giảng và xác định đích đến cần đạt được ở mỗi phần của bài giảng. Một bài giảng thành công là khi thoả mãn được ba yếu tố: kiến thức – kỹ năng – tình cảm và thái độ. Khi xác định được mục đích và yêu cầu mà một bài giảng cần đạt được, giảng viên sẽ biết cách truyền đạt như thế nào để học viên tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất.

Chắt lọc thông tin để đưa vào các slide

Đây được xem là bước quan trọng nhất của quy trình soạn giáo án trực tuyến. Bài giảng hay hay dở, thu hút và đọng lại gì hay không… nằm hết ở khâu chuyển hoá thông tin vào các slide này.

Do dung lượng của slide giới hạn, mỗi trang chỉ nên thể hiện trong 3-4 dòng nên giáo viên phải có tư duy tổng hợp, khái quát để có thể chắt lọc các kiến thức cơ bản nhất đưa vào các slide. Ngoài ra, người dạy cũng nên học cách biến các thông tin chứa câu chữ thành hình ảnh, âm thanh, video, đồ hoạ,… để bài giảng thêm sinh động và thu hút.

Xây dựng kho tư liệu

Ngoài việc sưu tầm các tài liệu bổ sung, mở rộng kiến thức từ sách, báo, tài liệu có liên quan… cũng là khâu quan trọng trong các bước soạn giáo án điện tử. Một số nguồn mà các giảng viên, giáo viên có thể tham khảo để làm giàu kho kiến thức của mình là:

– Thông tin trên Internet

– Nguồn tư liệu được cung cấp bởi CD-ROM, VCD,…

– Thông tin, hình ảnh, tư liệu có liên quan từ sách, báo, tạp chí, các bài nghiên cứu khoa học,…

Xây dựng kịch bản cho giáo án điện tử

các bước soạn giáo án 2
Đây được xem là khâu quan trọng nhất trong 5 bước xây dựng giáo án điện tử

Trong các bước soạn giáo án điện tử, xây dựng kịch bản chính là khâu quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất đến chất lượng bài giảng. Kịch bản xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc sư phạm, kiến thức cơ bản của nội dung bài giảng, đồng thời đáp ứng được mục tiêu, mục đích đã đề ra.

Xây dựng kịch bản trên PowerPoint nhưng giáo viên không được xa rời những kiến thức nền tảng trên giáo án “nền” (giáo án dùng cho các bài giảng theo phương pháp truyền thống, chưa ứng dụng PowerPoint để giảng dạy). Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ tìm tòi, phát hiện, khai thác các thế mạnh của phương pháp trình diễn bài giảng PowerPoint để tăng cường tính tích cực hoá quá trình nhận thức trong học tập của các học viên.

Kịch bản cũng phụ thuộc rất lớn vào các kiến thức có sẵn trong kho tư liệu. Giáo viên cần biết cách chắt lọc, lựa chọn những kiến thức phù hợp để đưa vào bài giảng.

Lựa chọn phần mềm trình diễn bài giảng điện tử

Khâu cuối cùng để hoàn thiện các bước soạn giáo án điện tử là chọn phần mềm để trình diễn bài giảng. PowerPoint là công cụ trình diễn giáo áo điện tử phổ biến hiện nay, được nhiều giáo viên tin dùng.

các bước soạn giáo án 4
Thiết kế PowerPoint để trình diễn bài giảng điện tử cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định

Có rất nhiều nguyên tắc khi xây dựng bài giảng điện tử trên PowerPoint. Tuỳ theo nội dung cụ thể mà thông tin thể hiện trên slide sẽ là văn bản, đồ hoạ, âm thanh, hình ảnh hay video,… Nội dung cần được trình bày cô đọng, ngắn gọn và bám sát chủ đề bài giảng nhất.

Về hình thức, nên dùng một loại font phổ biến, to, rõ, dễ nhìn. Màu chữ nên là những màu sáng. Các mục cũng nên phân loại thành từng phần, từng ý nhỏ để học viên dễ nắm phần cốt lõi. Khi trình bày, cần sử dụng sơ đồ khối để người học nắm được ngay logic nội dung cần học.

Mỗi bài giảng nên sử dụng một loại khung, loại màu thống nhất giữa các slide. Hạn chế sử dụng các màu quá chói hoặc tương phản nhau. Mặt khác, không nên sử dụng quá nhiều hiệu ứng chuyển động, “bay nhảy” làm giảm sự chú ý của người học.

Hơn hết, sử dụng phần mềm trình diễn cần chú ý làm nổi bật nội dung trọng tâm, khai thác triệt để các ý tưởng tiềm ẩn bên trong các đối tượng trình diễn qua việc nêu vấn đề, hướng dẫn, tổ chức hoạt động nhận thức nhằm phát triển tư duy người học.

Như vậy, với các bước soạn giáo án điện tử mà bài viết cung cấp, tin rằng các giáo viên đã có thể nắm được tốt quy trình xây dựng một giáo án trên nền tảng trực tuyến. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc không ngừng trau dồi và học hỏi những kiến thức, kỹ năng về công nghệ là điều không bao giờ thừa. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần căn cứ vào sự phát triển của công nghệ để hoạch định những bước tiến riêng, bao gồm cả nghề giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *