Công tác đào tạo và huấn luyện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Để có một lộ trình đào tạo tốt, cần phải xác định nhu cầu đào tạo phù hợp với mục tiêu, phương hướng doanh nghiệp hoạt động trong tương lai. Vậy, có những dấu hiệu và cách thức xác định nhu cầu đào tạo nào. Hãy cùng Airclass tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Xác định nhu cầu đào tạo là gì?
Nhu cầu đào tạo, hiểu một cách nôm na, là khoảng cách giữa những gì mà hiện tại đang có với những gì mong muốn đạt được trong tương lai của người quản lý và người lao động. Đây là quá trình thu thập, phân tích thông tin nhằm xác định cụ thể những nhu cầu cần thiết. Từ đó, nâng cao và cải thiện hiệu quả công việc.
Phân tích nhu cầu đào tạo là quá trình mang tính hệ thống. Nó xác định, sắp xếp thứ tự mục tiêu, định lượng nhu cầu, từ đó đưa ra mức độ ưu tiên phù hợp cho các quyết định của doanh nghiệp trong tương lai. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- Môi trường kinh doanh đặt ra những thách thức gì trong ngắn hạn và dài hạn?
- Nhân viên trong doanh nghiệp có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không?
- Những kỹ năng gì còn thiếu để nhân viên thực hiện các chiến lược tương lai của doanh nghiệp?
Tại sao cần phải xác định nhu cầu đào tạo?
Xác định nhu cầu đào tạo là một việc làm quan trọng trong doanh nghiệp. Bởi lẽ:
- Giúp doanh nghiệp đưa ra kế hoạch thích hợp đào tạo cho nhân viên nhờ các phân tích về năng lực hiện tại của nhân viên, cũng như những kỹ năng mà doanh nghiệp mong muốn.
- Đưa ra cho doanh nghiệp phương hướng đào tạo phù hợp sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhờ ngân sách, đặc điểm, nội dung đào tạo.
- Đo lường mức độ hiệu quả của công tác đào tạo.
Dấu hiệu có thể dựa vào để xác định nhu cầu đào tạo
Để xác định nhu cầu đào tạo, cần dựa vào các dấu hiệu mà nhờ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng được một lộ trình cụ thể, rõ ràng. Airclass xin đưa ra 4 dấu hiệu cơ bản sau:
Yêu cầu về năng lực thực hiện công việc
KPIs là bộ khung đánh giá năng lực làm việc cho nhân viên và quản lý thông qua kết quả đạt được. Các mức KPI được xây dựng dựa vào yêu cầu công việc mà một nhân viên cần phải đạt được theo mục tiêu phát triển chung của công ty.
Vì vậy, KPI là cơ sở mà người quản lý có thể dùng để so sánh năng lực của đội ngũ nhân viên hiện tại với kỹ năng cần thiết để đạt được KPI mong muốn. Từ đó, xác định được khoảng cách giữa năng lực thực tế và năng lực mà nhân viên cần đạt để thiết kế các khóa đào tạo năng lực bổ sung phù hợp.
Dựa vào phân tích kết quả năm trước
Kết quả KPI năm trước là thước đo năng lực của nhân viên gần nhất so với hiện tại. Dựa vào kết quả, người làm công tác quản lý (Training & Development) có cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc, cũng như tìm ra những kỹ năng mà nhân viên cần trau dồi để hiệu quả công việc được nâng cao.
Phân tích dữ liệu dựa trên KPI năm trước cũng là dẫn chứng quan trọng trong việc thuyết phục ban lãnh đạo khi đề ra các chương trình đào tạo trong tương lai. Bên cạnh đó, nhà quản lý có thể khơi gợi nhu cầu đào tạo của nhân viên bằng cách chỉ ra những yếu điểm trong năng lực làm việc mà họ cần cải thiện.
Thông qua bảng mô tả công việc
Bảng mô tả công việc đưa ra đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mà người đảm nhận cần thực hiện ở vị trí mình đang làm. Dựa vào đây, nhà quản lý cũng có thể xác định khoảng cách giữa năng lực thực tế của nhân viên và yêu cầu công việc. Từ đó, tìm ra năng lực cần cải thiện và đề xuất các khóa đào tạo phù hợp.
Bảng mô tả còn giúp đo lường chính xác năng lực của nhân viên ở một vị trí cụ thể. Đồng thời, đây cũng được xem là bộ khung năng lực tạm thời để đánh giá nhân viên.
Phản hồi từ học viên hoặc trưởng bộ phận
Sau khi tham gia các khóa học đào tạo, phản hồi từ học viên và trưởng bộ phận là vô cùng quan trọng. Người tham dự sẽ làm một bảng khảo sát đánh giá về chương trình đào tạo, bao gồm: cảm nghĩ về khóa học, mong muốn của học viên ở các chương trình sắp tới. Nhà quản lý dựa vào phản hồi này để điều chỉnh nội dung và phương pháp đào tạo trong các khóa tiếp theo sao cho sát với nhu cầu của học viên.
Về phía trưởng bộ phận, họ sẽ quan sát và đánh giá nhân viên có áp dụng được kiến thức đào tạo vào thực tiễn hay không. Từ đó, đo lường hiệu quả đào tạo và rút kinh nghiệm, điều chỉnh các khóa học sau cho phù hợp.
Trên đây là các dấu hiệu và cách thức xác định nhu cầu đào tạo mà Airclass muốn cung cấp cho bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch đào tạo và phát triển trong tương lai.